THÔNG TIN DU LỊCH

Ẩm thực Cao Bằng

28/08

MẬT ONG CAO BẰNG

  • 1137
  • 0

Cao Bằng với đặc điểm nhiều đồi núi, tạo điều kiện thuận lợi cho ong rừng xây tổ, làm mật. Mật ong rừng Cao Bằng trở thành đặc sản quý, hiếm bởi chất lượng thơm ngon vượt trội, nguyên chất.

Mật ong do những con ong trong môi trường rừng tự nhiên làm tổ, lấy mật từ hoa rừng trên các cành cây cao hoặc các vách đá nên mật ong rừng là mật nguyên chất, có màu nâu, vị ngọt thanh mát - vị riêng của núi rừng tạo nên, không lẫn với bất cứ vị mật ong nào khác.
Tại một số huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh, như: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng..., người dân hằng ngày đi rừng để kiếm củi, lấy măng, dược liệu... may mắn tìm được những tổ mật ong rừng. Ông Triệu Tòn Dét, dân tộc Dao, xã Lương Thông (Thông Nông) có kinh nghiệm nhiều năm lấy mật ong rừng cho biết: Thời gian để lấy được ong rừng đang độ cho mật ngon nhất, nhiều nhất (nếu cất công tìm kiếm hoặc may mắn bắt gặp) thường từ tháng 3 đến tháng 6, khi các loại hoa rừng nở nhiều cũng là lúc ong rừng làm tổ, chia đàn và lấy mật. Hằng năm, tôi rủ thêm 4 - 6 người mang theo gạo, thức ăn vào rừng già để tìm những tổ ong rừng. Muốn tìm thấy các tổ ong rừng nên men theo những triền núi cao, rừng già và nên đi về phía có nhiều ánh sáng mặt trời vì ong ưa ánh sáng. Những tổ ong rừng thường treo lủng lẳng trên ngọn cây cao hoặc vách đá nên lấy rất khó. Khi trèo, tay cầm đuốc, lưng đeo túi bám chắc vào dây rừng ở thân cây có ong để leo lên, nếu gặp những thân cây to, nhẵn  thì phải làm thang bằng thân cây nứa, tre, hoặc mang đinh đóng vào thân cây rồi trèo lên. Khi đến gần tổ ong thì châm đuốc để xua ong thợ ra khỏi tổ. Ong bay ra khỏi tổ để lộ sáp và mật ong, lúc đó mới lấy toàn bộ tổ ong cho vào túi rồi thận trọng leo xuống. Đối với tổ ong nhỏ hoặc vừa có thể lấy vào ban ngày, nhưng nếu tổ ong to hoặc nhiều tổ thì phải lấy vào ban đêm để tránh bị ong đốt.  

Tổ ong rừng rất quý hiếm nên các phần đều được sử dụng với nhiều cách và mục đích khác nhau, nhộng ong được chế biến thành các món ăn ngon, như: nhộng xào măng, cháo nhộng hoặc ngâm rượu...; phần sáp chứa đầy mật ong, người ta cho vào túi vải lọc đã được giặt sạch, phơi khô rồi từ từ vắt toàn bộ mật khỏi sáp, sau đó lọc đi lọc lại được phần mật ong rừng nguyên chất.

Hằng ngày, chúng ta rất dễ mua được mật ong nuôi nhưng để tìm mua được một chai mật ong rừng rất khó vì mật ong rừng khó tìm, khó khai thác và giá cao. Tùy vào thời điểm khai thác mật ong rừng mà màu sắc sẽ khác nhau và giá cả cũng khác nhau, trung bình giá mật ong rừng khoảng 600 - 800 nghìn đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 1 triệu đồng/lít. Do vậy, mật ong rừng Cao Bằng là đặc sản ngon nhất với hương vị tinh túy từ nắng, gió, mưa, các loại hoa rừng vùng cao, là một món quà vô giá của núi rừng ban tặng.

BÀI VIẾT KHÁC

  • Rau dạ hiến

    Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là rau dại, mọc hoang nhưng loại rau này rất hiếm. Rau dạ hiến chính vụ vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch.

  • Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén

    Đi từ Hà Giang theo đường quốc lộ 34 hay từ hồ Ba Bể, Bắc Kạn theo quốc lộ 3, rồi rẽ vượt đèo ColeA, du khách sẽ đến khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đé

  • Bánh cuốn Cao Bằng

    Bánh cuốn thì có gì là lạ? Khắp đất nước Việt Nam nơi nào cũng có, ấy vậy mà tại một số đường phố ở Hà Nội lại có treo tấm biển “Bánh cuốn Cao Bằng”. Bánh cuốn Cao Bằng có vị rất riêng mà không nơi nào có được. Để có tấm bánh mỏng và dai, người làm bánh phải chọn loại gạo thích hợp; để có nước dùng ngon phải qua công đoạn chế biến cầu kỳ và pha chế gia vị hợp lý. Cách ăn bánh cuốn ở Cao Bằng cũng có nét riêng, có thể dùng trứng gà hoặc thịt băm nhỏ làm nhân, kèm một chiếc giò nấm hương thơm nồng, một chút cay măng ớt, rau mùi gai...