THÔNG TIN DU LỊCH

Ẩm thực Cao Bằng

29/08

BÁNH TRỨNG KIẾN (PẺNG RÀY)

  • 3374
  • 0

Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hằng năm, bà con dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh Trứng kiến. Bánh Trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày) được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao.

 

Làm được món pẻng rày phải vào rừng kiếm trứng kiến. Nhưng không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để ăn được. Chỉ lấy trứng của loại kiến đen mà người Tày thường gọi là tua rày có thân nhỏ, đuôi nhọn. Loại kiến này đi lại khá nhanh và thường làm tổ trên cây vầu. Tổ của chúng màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục được làm từ lá cây mục và kết chặt vào những cành cây. Một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng. Ngoài bánh Trứng kiến, Trứng kiến có thể làm món xôi trứng kiến, bánh rày hoặc đem rang phi với hành, hẹ ăn với cơm rất ngậy và béo.
Một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến là lá cây vả, người Tày gọi là bâu ngỏa. Khi làm bánh phải chọn loại cây lá nhỏ sẽ thơm và mềm hơn loại to. Chọn lá làm bánh phải chọn loại lá bánh tẻ, không quá non và không quá già. Vì nếu lá non quá, lá dày khi hấp lên bánh chín thì lá nát không cầm được bánh, còn nếu lá già quá thì bánh ăn dai không còn vị thơm của lá.
Gạo nếp có pha một ít gạo tẻ để bột đỡ dẻo. Xay bột thật mịn, thêm nước vừa phải đảo nhuyễn với độ mềm vừa phải. Lá vả rửa sạch, bỏ phần gân lá ở mặt dưới rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải, chú ý không trải ra hết mép lá để khi hấp chỗ lá đó xoăn lại thành mép bột không tràn ra ngoài. Trứng kiến đem phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và gập đôi chiến lá lại kế đó đem vào khay hấp. Khi bánh chín đem ra để nguội rồi dùng kéo cắt ra từng miếng vuông vừa phải. Bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, béo và ngậy mùi trứng kiến. Đây là một trong những nét văn hoá ẩm thực mang giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng.

 

BÀI VIẾT KHÁC

  • Rau dạ hiến

    Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là rau dại, mọc hoang nhưng loại rau này rất hiếm. Rau dạ hiến chính vụ vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch.

  • Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén

    Đi từ Hà Giang theo đường quốc lộ 34 hay từ hồ Ba Bể, Bắc Kạn theo quốc lộ 3, rồi rẽ vượt đèo ColeA, du khách sẽ đến khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đé

  • Bánh cuốn Cao Bằng

    Bánh cuốn thì có gì là lạ? Khắp đất nước Việt Nam nơi nào cũng có, ấy vậy mà tại một số đường phố ở Hà Nội lại có treo tấm biển “Bánh cuốn Cao Bằng”. Bánh cuốn Cao Bằng có vị rất riêng mà không nơi nào có được. Để có tấm bánh mỏng và dai, người làm bánh phải chọn loại gạo thích hợp; để có nước dùng ngon phải qua công đoạn chế biến cầu kỳ và pha chế gia vị hợp lý. Cách ăn bánh cuốn ở Cao Bằng cũng có nét riêng, có thể dùng trứng gà hoặc thịt băm nhỏ làm nhân, kèm một chiếc giò nấm hương thơm nồng, một chút cay măng ớt, rau mùi gai...