THÔNG TIN DU LỊCH

Ẩm thực Cao Bằng

29/08

BÁNH COÓNG PHÙ ( BÁNH TRÔI)

  • 2013
  • 0
Khi tiết trời lạnh, ở Cao Bằng rất nhiều gia đình chuẩn bị món bánh coóng phù (bánh trôi) truyền thống. Món bánh được “trang điểm” bằng chính màu sắc của lá phẩm và quả tự nhiên gắn bó với người nông dân. Trong những ngày lạnh, bưng bát bánh nóng hổi thơm mùi đường mật và nếp gừng, vừa ăn, vừa thổi thì thật đáng nhớ.
 
Bánh coóng phù Cao Bằng

Đối với người Tày Cao Bằng, bánh coóng phù không chỉ có hương thơm của gạo, vị ngọt của mật mía, vị bùi của lạc vừng, mà chút cay nồng của gừng tạo nên không khí ấm cúng trong thời tiết lạnh giá. Ở miền xuôi, coóng phù còn gọi là bánh trôi nhưng không được tô điểm sinh động như coóng phù ở Cao Bằng. Trong ngày Đông Chí, từ sáng sớm trên nhiều con phố, ngõ nhỏ, các hàng quán bán bánh coóng phù nhiều hơn thường ngày. Nhiều hàng bánh, khách hàng nối dài chờ mua coóng phù.

Bánh coóng phù dễ làm, từ bột gạo nếp, có pha chút gạo tẻ thơm. Sau khi ngâm gạo, xay bột lẫn nước, đổ vào túi vải mềm để ráo nước (theo kinh nghiệm, muốn bánh coóng phù dẻo, lấy một phần bột nhỏ luộc chín vào nhào với bột sống) trộn đều hoặc giã nhuyễn và vê tròn. Có 2 cách nặn bánh, bánh tròn không nhân và bánh hình bầu dục có nhân là đường, lạc, vừng rang giã nhỏ. Màu sắc tô điểm cho bánh đều dùng từ các loại quả và lá: Màu cam từ quả gấc; màu xanh từ cây ngải cứu; màu tím, vàng từ lá cẩm. Sau cùng, thả bánh vào nước sôi, khi bánh nổi là chín. Thả xuống nồi nước sôi, bánh nổi với nhiều sắc màu: trắng, cam, tím, xanh, dùng muôi lưới hớt bánh vào bát và chan nước đường nấu với gừng thơm lừng. Đây cũng là hương vị đặc trưng của bánh coóng phù Cao Bằng so với các nơi khác vì nước chan bánh được làm từ mật mía, pha vừa có đủ độ ngọt, vừa có độ sánh.

Trong tiết trời lạnh giá, nếu được thưởng thức món bánh giản dị, nhưng đậm đà hương vị vùng cao, hẳn ai đi xa cũng nhớ đến nao lòng.

BÀI VIẾT KHÁC

  • Rau dạ hiến

    Dạ hiến (hay còn gọi là rau bồ khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là rau dại, mọc hoang nhưng loại rau này rất hiếm. Rau dạ hiến chính vụ vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch.

  • Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén

    Đi từ Hà Giang theo đường quốc lộ 34 hay từ hồ Ba Bể, Bắc Kạn theo quốc lộ 3, rồi rẽ vượt đèo ColeA, du khách sẽ đến khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đé

  • Bánh cuốn Cao Bằng

    Bánh cuốn thì có gì là lạ? Khắp đất nước Việt Nam nơi nào cũng có, ấy vậy mà tại một số đường phố ở Hà Nội lại có treo tấm biển “Bánh cuốn Cao Bằng”. Bánh cuốn Cao Bằng có vị rất riêng mà không nơi nào có được. Để có tấm bánh mỏng và dai, người làm bánh phải chọn loại gạo thích hợp; để có nước dùng ngon phải qua công đoạn chế biến cầu kỳ và pha chế gia vị hợp lý. Cách ăn bánh cuốn ở Cao Bằng cũng có nét riêng, có thể dùng trứng gà hoặc thịt băm nhỏ làm nhân, kèm một chiếc giò nấm hương thơm nồng, một chút cay măng ớt, rau mùi gai...